Nghị luận xã hội | Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép

Ngày 12/04/2022 10:41:22, lượt xem: 9022

Đề thi vào lớp 10 2021 - THPT chuyên KHXH và Nhân Văn môn Văn
Câu 1- Nghị luận xã hội (4,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Nhưng, cũng có ý kiến khẳng định: “Không nên coi sai lầm là phép thử cho cuộc đời của bạn”.
Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về các ý kiến trên.

 



Người ta nói rằng cuộc đời là một trang giấy trắng, và chính chúng ta sẽ quyết định viết nó như thế nào! Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì! Bởi vì sao bạn nhỉ? Vì bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nguệch ngoạc, sai từ này từ khác! Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để tẩy đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình! Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Phải chăng vì lẽ đó nên mới có câu: “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép” tuy nhiên lại có một ý kiến khác khẳng định rằng: “Không nên coi sai lầm là phép thử cho cuộc đời của bạn”. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Sai lầm là điều hết sức bình thường, vậy sai lầm được hiểu là gì? Đó là một quyết định hoặc một con đường ta chọn, ta thực hiện những không đem lại kết quả mong muốn. Sai lầm không phải là dấu chấm hết, nó sẽ là động lực thúc đẩy mỗi con người đạt được mục đích. Câu nói thứ nhất khiến con người được truyền cảm hứng để dũng cảm dấn thân, thậm chí là sáng tạo và liều lĩnh. Có thất bại mới trân quý thành công. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên coi đó là “phép thử” như môn học, cứ sai lại thử, dẫn đến lãng phí thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc, tri thức và có thể phung phí cả niềm tin vào chính mình. Không nên coi sai lầm là phép thử chỉ để biết kết quả đó là tồi tệ, mà hãy coi nó là một bài học để không còn lặp lại trong tương lai. Và cũng đừng lấy lí do được phép sai để bào chữa cho sự sai lầm vô tội vạ của mỗi cá nhân. Hai ý kiến trên nghe có vẻ như trái ngược nhau nhưng không phải vậy, chúng bổ sung thích đáng cho nhau để mang đến cho chúng ta những suy nghĩ và cách ứng xử khác nhau về “sai lầm” trong cuộc sống. Đôi khi tuổi trẻ là sẽ sai lầm, sẽ có những quyết định lệch chuẩn nhưng vì “cứ sai đi” thì ta mới có những bài học kinh nghiệm cũng như nếu không có trải nghiệm, không có khó khăn sao có những trái ngọt? Quan trọng là đừng để sai lầm nối tiếp dài quá khiến cả cuộc đời mình là những phép thử để rồi về già lại sống trong ân hận, tiếc nuối rằng sao mình không thế này, sao mình không thế kia….

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN XÃ HỘI - NGƯƠI CẦN GÌ?


Nhà văn Elbert Hubbard đã viết: “Sai lầm lớn nhất bạn thường mắc phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”. Một khi đủ can đảm để thừa nhận sai sót, không giấu diếm hay đổ lỗi, thì đó sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu nhất giúp bạn sửa chữa lỗi sai của mình. Khi mà cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn, và với trải nghiệm ít ỏi của những người trẻ, đôi khi ta chẳng phân biệt được đâu là đúng đâu là sai; và cũng có khi mỗi sự lựa chọn chẳng đơn thuần là đúng hay sai, mà ẩn chứa trong đó là những bài học, những ngã rẽ trong cuộc sống. Nếu bạn chọn một phương án an toàn, bạn có thể sẽ phải hối tiếc và ngậm ngùi vì không dám sống thật với chính mình; nhưng nếu bạn chọn một phương án mạo hiểm, đương nhiên bạn sẽ phải chấp nhận rủi ro, tuy nó sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng sẽ kèm theo nỗi đau cho những bài học mà bạn nhận được. Nói đến sai lầm không thể không nhắc tới Anh-xtanh. Ông là một bậc vĩ nhân, nhà vật lý nổi tiếng, ấy thế mà vẫn phải sai lầm. Trong khi thiết kế bóng đèn, Anhxtanh đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần, sai rất nhiều lần để rồi cuối cùng để lại thành tựu lớn đến tận ngày nay. Có một phóng viên đã hỏi Anhxtanh: “Mỗi lần thất bại ông làm thế nào để có động lực tiếp tục?”. Anhxtanh đã nói: “Đó không phải là thất bại. Đó là tôi đã tìm ra một cách không làm bóng đèn.” Mọi chuyện đều bắt đầu từ suy nghĩ, nếu tích cực đó sẽ là động lực, còn ngược lại nó sẽ làm ta không thể đứng dậy.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải hiểu, cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc, đừng biến nó trở thành một hành trình nhàm chán gói trọn trong một chuỗi “những sai lầm”, coi sai lầm là phép thử của bản thân. Theo nhà tâm lý học Jean-Francois Vezina, ai trong chúng ta cũng cứ đi tìm sự hoàn hảo. Kết quả là nhiều người rơi vào hai thái cực, hoặc né rủi ro không dám đưa ra quyết định, hoặc để sai lầm hạ gục bản thân. Việc nhận biết và học tập từ sai lầm của chính mình cũng như khoan dung trước sai lầm của người khác được xem như một nghệ thuật sống. Trước khi đến được thành công, chúng ta thường vấp phải nhiều sai lầm dẫn đến thất bại và đôi khi còn trả cái giá không hề nhỏ. Thế nhưng, đừng hoảng loạn, đừng thỏa hiệp mà hãy bình tĩnh, tự trấn an rồi tìm cách ứng phó, “khi một cánh cửa khép lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, hãy sẵn sàng để tận dụng cơ hội mới đang chào đón mình. Hơn thế nữa, mắc sai lầm cũng giúp bạn học được cách suy nghĩ tích cực hơn và không cảm thấy nuối tiếc vì điều mình đã chọn. Bên cạnh thái độ lạc quan hướng tới tương lai, chúng ta cũng nên tìm hiểu nguyên nhân gây sai sót, tránh đi vào “vết xe đổ”. Nếu cứ mắc cùng một lỗi sai quen thuộc nhiều lần, bạn sẽ ngày càng dễ dãi với bản thân, không tôn trọng chính mình và đánh mất niềm tin từ mọi người xung quanh. Đừng để bản thân lười biếng, không có chí cầu tiến và xem mọi lỗi lầm đều “bình thường”, “quy luật”. Sai lầm “sinh ra” để giúp chúng ta học hỏi và trân trọng cuộc sống hơn, nên hãy tận dụng một cách thật thông minh.

Cuộc đời là tập hợp những điểm giới hạn. Người thông minh là người cho phép mình buông thả nhưng biết dừng lại đúng lúc. Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người trốn tránh sai lầm của mình. Khi gây ra sai lầm, họ thưởng đổ lỗi cho người khác, hoặc tìm cách lảng tránh, phủ nhận nó. Họ cũng không tìm cách khắc phục hậu quả do sai lầm của mình gây ra đối với người khác. Thậm chí, vì sợ hãi, không dám chịu trách nhiệm, họ đã có những hành động tàn nhẫn đối với người khác. Những người như thế thật đáng lên án.

Ai trong đời rồi cũng phải cảm ơn những khiếm khuyết của mình. Hãy nhớ rằng, người ít sai lầm nhất là người mau hối lỗi nhất. Sai lầm có thể chấp nhận khi ta còn trẻ; nhưng đừng kéo lết nó vào tuổi già. Khi gây ra sai lầm, hãy có đủ dũng khí để chấp nhận và khắc phục nó, đừng chạy trốn một cách hèn nhát.

Tuổi trẻ như thể một chiếc xe lửa trôi đi rất nhanh, đừng là những hành khách ngủ trên xe, nếu không khi bạn tỉnh dậy bạn sẽ bỏ qua nhiều thứ, thậm chí là bỏ qua cả trạm dừng. Cuộc sống nằm trong tay mỗi chúng ta, đừng để những suy nghĩ sai lầm bồng bột làm ta lạc lối, đừng bao giờ để bản thân phải trả giá tới 2 lần cho những sai lầm bạn nhé!

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CHẠY VĂN LỚP 9 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan